Theo Harvard Business Review, 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khủng hoảng trong quá trình tăng trưởng quy mô từ 10 – 20 nhân viên lên 50 – 100 nhân viên.
Phần lớn các công ty đều bắt đầu được thành lập vội vã bởi một nhóm vài người có vẻ rất hợp làm việc với nhau. Lúc đó mỗi người đều hào hứng và nhiệt huyết, mang theo tinh thần khởi nghiệp đầy đam mê, quyết tâm. Dù công ty còn thiếu người, cấu trúc hoạt động chưa rõ ràng và quy trình chưa hoàn thiện, chẳng bao giờ mọi người cãi vã quá nhiều, ai cũng hỗ trợ nhau cùng hoàn thành công việc.
Trong giai đoạn đầu tiên, công ty thường hoạt động như một gia đình nhỏ, nơi sự sáng tạo và đổi mới được khuyến khích. Những người sáng lập, thường là những cá nhân có năng lực cao về kỹ thuật hoặc kinh doanh, dành phần lớn thời gian và năng lượng để phát triển sản phẩm mới và đáp ứng nhu cầu thị trường. Giao tiếp giữa các thành viên trong đội ngũ rất linh hoạt và mọi người đều có sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết cao. Mọi người làm việc “quên ăn, quên ngủ, quên cả giờ giấc”.
Đây chính là giai đoạn mà bạn đang có một “CÔNG TY TUYỆT VỜI”
Tuy nhiên, khi công ty bắt đầu mở rộng quy mô, những hoạt động sáng tạo này trở thành vấn đề. Doanh số tăng trưởng, kéo theo các hoạt động cũng gia tăng, việc này đòi hỏi ban lãnh đạo phải có kiến thức về hiệu quả, hiệu suất. Số lượng nhân viên tăng lên không thể được quản lý hoàn toàn thông qua giao tiếp không chính thức, nhân viên mới cũng không có tinh thần cống hiến hết mình như những người đầu tiên.
Các quyết định quản lý không còn có thể chỉ dựa vào cảm hứng mà cần có sự tổ chức và hệ thống. Vấn đề tài chính cũng không thể cứ mãi “nghiệp dư” như ban đầu. Người sáng lập công ty thấy mình phải gánh vác những trách nhiệm quản lý không mong muốn. Họ khao khát “ngày xưa tốt đẹp” và cố gắng hành động như họ từng làm trong quá khứ. Điều này được gọi là khủng hoảng lãnh đạo.
Cuộc cách mạng đầu tiên sẽ diễn ra ở đây: Ai sẽ dẫn dắt công ty thoát khỏi sự hỗn loạn và giải quyết các vấn đề quản lý mà công ty đang phải đối mặt? Rõ ràng, công ty cần có Nhà Lãnh Đạo mạnh mẽ – người có kiến thức và kỹ năng cần thiết để lãnh đạo, quản lý.
Thường thì các nhà sáng lập và CEO sẽ không muốn công nhận rằng họ thiếu kỹ năng cho việc mà họ đang làm và không bao giờ muốn nghĩ tới việc… “từ chức”. Vì vậy, họ phải đưa ra lựa chọn quan trọng đầu tiên trong quá trình phát triển của một tổ chức: hoặc là tự mình nâng cấp năng lực lãnh đạo, hoặc là tìm một CEO được phần lớn nhà sáng lập ủng hộ.
Trên thực tế, đa số sẽ đưa ra quyết định sai lầm: không nhìn nhận sự thiếu sót của mình và tiếp tục cố gắng lèo lái công ty với kiến thức quản trị tối thiểu. (mà tôi từng là một trong số đó).
Mai Xuân Đạt – Sách “Tổ chức và Đám đông”