Các Startup đặt ra các mục tiêu táo bạo để thay đổi thế giới. Họ có những ý tưởng “điên rồ”, bỏ ra tiền bạc, thời gian và cuộc sống của họ vào những ý tưởng đó. Với sự theo đuổi không ngừng và nỗ lực bền bỉ, họ đã xây dựng giải pháp cho một vấn đề và đưa nó ra thị trường để phục vụ khách hàng. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi bao nhiêu Startup trong số đó thành công trong việc theo đuổi này?
Một thống kê phổ biến được đưa ra là 90% các công ty khởi nghiệp thất bại. Theo một nghiên cứu trên 27.000 công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi Cambridge Associates thực hiện có gần 60% Startup trong số đó không thể đến được ngày kỷ niệm thành lập lần đầu tiên.
Theo một thống kê của CB Insight những lý do hàng đầu khiến các công ty khởi nghiệp thất bại có thể kể đến như:
- Bỏ qua tầm quan trọng của việc xác thực ý tưởng dẫn đến việc không có được thị trường.
- Cạn kiệt nguồn vốn.
- Không có sự tập trung.
- Không linh hoạt vào đúng thời điểm.
- Thiếu sự liên kết giữa các đội nhóm về tầm nhìn và sứ mệnh.
Hầu hết thời gian, những người sáng lập có xu hướng mất tập trung và đi lạc khỏi con đường của họ, tiêu tốn quá nhiều tiền của, công sức để lao vào quá nhiều thứ và cuối cùng là chôn vùi các công ty khởi nghiệp của họ. Đây là lý do tại sao các công ty khởi nghiệp cần OKRs.
OKRs rất quan trọng trong việc điều hướng trạng thái hỗn loạn, đặc trưng của nhiều công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu. OKRs cung cấp một cấu trúc và sự rõ ràng về các ưu tiên mà một tổ chức có thể liên tục chuyển hướng trong những thời điểm hỗn loạn.
“OKRs có thể là một nguồn ánh sáng hướng dẫn các công ty khởi nghiệp thoát khỏi giai đoạn đen tối.” – Laszlo Bock
Với OKRs doanh nghiệp có 3-5 Mục tiêu tại bất kỳ thời điểm nào với 3-5 Kết quả chính cho mỗi Mục tiêu. Phương pháp OKRs tự điều chỉnh và buộc bạn phải thu hẹp danh sách việc cần hoàn thành (không phải việc cần làm). Có một sự khác biệt ở đây, việc cần làm tập trung vào hiệu suất đầu ra, trong khi việc hoàn thành tập trung vào kết quả. OKRs cho phép những người sáng lập và nhóm của họ dự báo kết quả, theo đuổi và theo dõi chúng không ngừng.
Một bộ OKRs với các Kết quả chính sẽ hướng dẫn những Startup tập trung vào các chỉ số và hướng tới việc đạt được các con số. Nó cũng sẽ loại bỏ việc thực hiện những ý tưởng mới nảy ra trong đầu họ và tập trung vào những gì quan trọng để đạt được Mục tiêu.
Trong quá trình phổ biến và giới thiệu OKRs đến với các doanh nghiệp Việt Nam, VNOKRs đã có dịp được làm việc với rất nhiều Startup từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó MarketingWorks là một Startup mà chúng tôi đã có cơ hội tư vấn và hỗ trợ đưa OKRs vào doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu thành lập.
MarketingWorks là một công ty trẻ, sáng tạo và năng động hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự về Marketing. Cùng với sứ mệnh “Thúc đẩy sự phát triển bền vững doanh nghiệp Việt bằng việc cung cấp giải pháp hỗ trợ tuyển dụng nhân sự Marketing một cách hiệu quả” Marketing Works đã xây dựng nên nền tảng tuyển dụng chuyên việc làm Marketing đầu tiên tại Việt Nam.
Cũng giống như phần lớn các Startup khác Marketing Works cũng gặp rất nhiều những khó khăn từ những ngày đầu. Theo như chia sẻ của ông Đỗ Anh Tuấn (Founder & CEO MarketingWorks) công ty của họ luôn gặp tình trạng có quá nhiều việc phải làm cùng một lúc, không xác định được điều gì là quan trọng cần phải ưu tiên, bị phân tán nguồn lực vào những việc không quan trọng. Công việc thực sự bị “hỗn loạn”.
Ông Đỗ Anh Tuấn – CEO MarketingWorks
Sau một thời gian tìm hiểu và quyết định áp dụng OKRs, Marketing Works đã có những sự thay đổi rất tích cực và lợi ích lớn nhất có thể kể đến đó là sự tập trung của toàn bộ tổ chức vào những mục tiêu thực sự có ý nghĩa.
Marketing Works là một nền tảng vận hành theo mô hình Marketplace B2C. Đặc thù của ngành có rất nhiều chỉ số có thể theo dõi và đo lường, ví dụ như: số lượng user ứng viên; số lượng user nhà tuyển dụng (NTD); Số lượng job active; Số lượng job hết hạn; Số lượng CV online tạo mới; Số lượt ứng tuyển….Có khoảng hơn 20 chỉ số khác nhau. Thật khó để có thể nhận ra chỉ số nào mới thực sự quan trọng cần đo lường và theo dõi.
Bằng việc ứng dụng OKRs kết hợp với những chiến lược kinh doanh hợp lý của công ty, cuối cùng ban Giám đốc của MarketingWorks đã tìm được chỉ số quan trọng nhất cần phải theo dõi và thúc đẩy đó chính là “Số lượt liên hệ phỏng vấn giữa nhà tuyển dụng và ứng viên”. Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là chỉ số này lại không nằm trong số hơn 20 chỉ số đang đo lường.
Từ đó mọi hoạt động của công ty đều tập trung hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng chỉ số “Lượt liên hệ phỏng vấn giữa nhà tuyển dụng và ứng viên”. Kết quả là sau 3 tháng tập trung vào mục tiêu, tính tới thời điểm hiện tại MarketingWorks đã kiến tạo hơn 1.491 lượt liên hệ phỏng vấn giữa Nhà tuyển dụng và ứng viên. Đồng thời cũng trong thời đó nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ nhà tuyển dụng, kết quả kinh doanh cũng tiến triển vượt bậc.
OKRs Giám đốc
Objective | MarketingWorks là nền tảng đáng đầu tư của các Quỹ đầu tư mạo hiểm |
KR1 | 400 Agency và Brand lớn đăng tuyển trên nền tảng tuyển dụng MarketingWorks |
KR2 | Đạt 9000 lượt ứng tuyển |
KR3 | Tỷ lệ liên hệ phỏng vấn giữa NTD và ứng viên đạt 33% |
OKRs PGĐ Kinh doanh
Objective | Tăng cường thúc đẩy các chỉ số kết nối trên sàn tuyển dụng |
KR1 | 100% NTD cũ nhận được 5 CV trở lên được khảo sát nhu cầu |
KR2 | 100% CV đang apply được duyệt theo checklist hàng ngày |
KR3 | 100% NTD có CV apply đều biết thông tin trong vòng 48h |
Objective | Gia tăng số lượng Job chất lượng trên sàn tuyển dụng |
KR1 | Đẩy lượng Job trên sàn lên 700 tại một thời điểm |
KR2 | Đảm bảo 100% Job trên sàn đạt chuẩn ASK |
KR3 | Tăng thêm 250 Job khu vực TP HCM |
OKRs PGĐ Marketing
Objective | Tăng lượng người dùng chất lượng trên MarketingWorks |
KR1 | Đạt 300 tài khoản NTD Agency và Brand lớn tại Hà Nội |
KR2 | Đạt 3000 CV Marketing tìm việc |
KR3 | Đạt 9000 lượt ứng tuyển |
KR4 | Đạt 100 tài khoản NTD Agency và Brand lớn tại TP HCM |
OKRs thực sự đã giúp MarketingWorks đi đúng với định hướng phát triển, biết đâu là việc quan trọng cần phải ưu tiên nguồn lực để giải quyết. Tất cả các công việc đều được lượng hóa thành các chỉ số để đo lường, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và luôn có những giải pháp cải thiện để ngày càng tiến gần hơn với những mục tiêu táo bạo và đầy khát vọng.
Các Startup phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức để có thể tồn tại. Nếu không có một đường đi đúng đắn rất có thể bạn sẽ phải dừng bước trước khi nhìn thấy thành quả của mình. OKRs sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề của một Startup nhưng OKRs có thể là “tia sáng” để dẫn lối trên con đường của bạn.