Peter Drucker là một trong những học giả vĩ đại, có nhiều đóng góp quan trọng, tiên phong cho ngành quản trị học hiện đại. Lý thuyết quản lý hiệu quả của Peter Drucker cho đến nay vẫn được các tập đoàn, công ty hàng đầu trên thế giới ứng dụng vào thực tế quản trị.
Peter Drucker – Cha đẻ của quản trị học hiện đại
Peter Drucker (1909 – 2005) được biết đến như một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được mệnh danh là cha đẻ của quản trị học hiện đại với nhiều đóng góp quan trọng, vượt trội. Cùng với Jack Welch, Philip Kotler và Bill Gates, ông được Financial Times bình chọn là bậc thầy của mọi thời đại.
Một số dấu mốc của Peter Drucker có thể kể đến như:
- 1909, Peter Drucker sinh ra tại thủ đô Viên (Áo)
- 1930, ông theo học Đại học và Cao học tại Đức
- 1931 – 1939, ông cùng gia đình chạy trốn khỏi Đức Quốc xã. Trong giai đoạn này, ông làm nhiều người và từng là một nhà báo tại London.
- 1939, ông viết cuốn sách đầu tiên của mình “Kết cuộc của con người kinh tế”
- 1940, Peter Drucker lấy bằng tiến sĩ luật quốc tế tại ĐH Frankfurt và nhập cư vào Mỹ
- 1942, ông viết cuốn sách “Tương lai con người công nghiệp”
- 1946, ông viết cuốn sách “Concept of Corporation” (tạm dịch “Quan Niệm về Doanh Nghiệp”) sau 2 năm nghiên cứu cung cách quản lý của General Motor, lúc đầu công ty rất hài lòng với kết quả của Drucker. Nhưng sau khi cuốn sách được xuất bản cùng với những lời gợi ý về “phân quyền” thì GM coi đây là sự phản bội với công ty họ. Alfred Sloan – giám đốc GM lúc bấy giờ đã dành hẳn quyển tự truyện của mình như một sự phản đối với “Concept of Corporation”. Dù vậy, đây là quyển sách đánh dấu sự manh nha ra đời của MBO với lý thuyết về sự phân quyền (Decentralization)
- 1954, với sự ra đời của “The Practice Of Manager” (tạm dịch “Thực Hành Quản Trị”), Drucker đã hoàn thiện lý thuyết “Quản trị theo Mục Tiêu”
- 1991, ông nhận Huân chương hạng nhất của Áo
- 2002, ông nhận Huân chương Tự do do tổng thống George W. Bush trao tặng
- Peter Drucker đạt được 25 chứng chỉ học vị tiến sĩ tại các trường Đại học của Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Czech, Bỉ, Thụy Sĩ
- Ông là tác giả của nhiều cuốn sách trong lĩnh vực quản lý rất nổi tiếng, trong đó có cuốn “Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21”. Thống kê số sách Peter Drucker sáng tác lên đến 35 cuốn sách, trong đó 15 cuốn về quản lý, 16 cuốn về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, 2 cuốn tiểu thuyết và 1 cuốn tự truyện.
Không chỉ được biết đến với những đóng góp trong lĩnh vực quản trị học, Peter Drucker còn nghiên cứu những ngành học thuật khác như văn hóa, tôn giáo, sử học, tâm lý học, xã hội học… Chính vì vậy, trong quá trình chia sẻ, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm quản lý của mình, ông có những cách truyền đạt qua nhiều phương pháp học thuật khác nhau.
Lý thuyết quản lý hiệu quả của Peter Drucker
Lý thuyết quản lý hiệu quả của Drucker bao gồm nhiều khái niệm hiện đại vẫn còn nguyên giá trị nghiên cứu và thực tiễn trong quản trị doanh nghiệp.
Phân quyền
Drucker đưa ra ý tưởng doanh nghiệp cần tập trung vào việc phân cấp, phân quyền hay dân chủ hóa quản lý tại nơi làm việc. Ông muốn tất cả nhân viên cảm thấy có giá trị và được trao quyền, nhân viên cần cảm thấy đóng góp và tiếng nói của họ có ý nghĩa quan trọng.
Ông tin tưởng vào việc giao những nhiệm vụ truyền cảm hứng cho nhân viên, khen thưởng những người làm việc xuất sắc và trách nhiệm, đồng thời đoàn kết các cấp quản lý và nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp hướng tới được mục tiêu chung.
Drucker tin rằng các nhà quản lý, trên hết, nên là những nhà lãnh đạo. Thay vì đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt và không khuyến khích sự đổi mới, nhà quản lý nên chọn một cách tiếp cận hợp tác và linh hoạt hơn với nhân viên. Ông đặt tầm quan trọng cao đối với việc phân quyền, công việc tri thức, quản lý theo mục tiêu (MBO) và quy trình SMART.
Công việc tri thức
Peter Drucker cho rằng công việc tri thức là những công việc yêu cầu xử lý hoặc phân tích thông tin, chẳng hạn như kỹ sư hay nhà phân tích. Drucker thậm chí đã nhìn thấy trước nền kinh tế tri thức nhiều năm trước khi có sự trỗi dậy của máy tính và Internet.
Ông đánh giá cao giá trị của những người lao động giải quyết vấn đề và biết suy nghĩ sáng tạo trong công việc. Drucker muốn thúc đẩy một nền văn hóa làm việc với những nhân viên không chỉ có thể cung cấp sức lao động đơn thuần mà còn có cả cách nhìn nhận sâu sắc và ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Phát triển lực lượng lao động
Peter Drucker với vấn đề phát triển lực lượng lao động cho rằng các nhà quản lý nên cải thiện, phát triển cả bản thân cũng như những thành viên trong team của họ.
Ông khẳng định đào tạo, giáo dục liên tục là cốt lõi của triết lý phát triển lực lượng lao động. Drucker cũng cho rằng các khóa đào tạo bên ngoài, ví dụ thông qua việc tham gia các nhóm trao đổi, hội thảo trong ngành có giá trị đặc biệt trong phát triển lực lượng lao động.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Năm 1939, Peter Drucker xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình – Sự kết thúc của con người kinh tế: Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị. Cuốn sách này ghi lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát Xít.
Drucker tin rằng cách duy nhất để ngăn chặn sự xuất hiện lần thứ hai của chủ nghĩa phát xít là tạo ra một “xã hội hoạt động” mà nền tảng của nó, theo ông, là các thể chế mạnh – bao gồm cả các tập đoàn có nghĩa vụ, có trách nhiệm xã hội trong quá trình hoạt động.
Viện Drucker, một doanh nghiệp xã hội do Drucker thành lập để thúc đẩy các ý tưởng và lý tưởng của ông, giải thích trên trang web của mình : “Quản lý, được thực hành tốt là thành lũy của Drucker chống lại cái ác” .
Drucker là một nhà tư tưởng toàn diện và thay vì nhìn nhận các doanh nghiệp như những thực thể rời rạc, ông nhìn nhận các doanh nghiệp như những thành phần của một hệ thống xã hội lớn hơn. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng các doanh nghiệp nên xem mình như một phần của cộng đồng và đưa ra quyết định về vấn đề đó – tôn trọng bên ngoài cũng như tác động bên trong của họ. Drucker thậm chí còn xem lợi nhuận qua lăng kính xã hội: Một công ty có trách nhiệm tạo ra lợi nhuận. Ông lập luận, điều này có giá trị để có thể tạo ra công ăn việc làm và của cải cho xã hội nói chung.
Văn hóa tổ chức
Peter Drucker cho rằng mọi công ty luôn có văn hóa tổ chức của mình, chỉ có điều văn hóa đó là tích cực hay tiêu cực, hữu ích hay có hại.
Ông nói trong cuốn sách Quản lý: Nhiệm vụ, Trách nhiệm, Thực hành: “Tinh thần của một tổ chức được tạo ra từ đỉnh cao: “Nếu một tổ chức có tinh thần tuyệt vời, đó là bởi vì tinh thần của những người hàng đầu của nó tuyệt vời. Nếu nó suy tàn, nó sẽ như vậy bởi vì những người hàng đầu đã thối rữa… Không ai được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao trừ khi lãnh đạo cao nhất sẵn sàng để hình ảnh của nhân viên đó làm hình mẫu cho cấp dưới”.
Trải nghiệm khách hàng
Theo Hiệp hội Drucker của Áo, Drucker nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp chỉ có một mục đích thực sự là tạo ra khách hàng.
Doanh nghiệp cần xem xét các hoạt động kinh doanh và cơ hội kinh doanh của mình thông qua lăng kính khách hàng chứ không phải lăng kính của doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới quyết định được đâu là vấn đề, mục tiêu quan trọng cần tập trung.
Quản trị theo mục tiêu MBO
Một trong những lý thuyết quan trọng nhất của Drucker là “quản trị theo mục tiêu”, hay MBO. MBO có thể có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng định nghĩa được nhiều người đồng tình nhất: MBO là phương pháp cải thiện hiệu suất của tổ chức bằng cách đặt các mục tiêu được xác định rõ ràng đã thỏa thuận giữa nhân viên và quản lý.
Ý tưởng của lý thuyết này rất đơn giản: Nhân viên ở tất cả các cấp phối hợp làm việc cùng nhau để thúc đẩy doanh nghiệp đi đến đích, đến mục tiêu đã cam kết. Mọi nhân viên đều có tiếng nói bình đẳng, đều có thể chia sẻ ý kiến của riêng họ về mục tiêu công việc. Từ đó, các nhóm thiết lập các mục tiêu và giao nhiệm vụ cụ thể theo các bộ kỹ năng và sở thích của nhân viên.
Lý thuyết về MBO của Peter Drucker sau đó đã được phát triển, ứng dụng trong thực tế nhiều doanh nghiệp và đem lại những thành công vượt trội. Một trong những phát triển từ MBO là OKRs.
OKRs (Objectives and Key Results) là phương pháp quản lý dựa trên mục tiêu và các kết quả chính. Phát triển từ MBO, OKRs cũng quản lý dựa trên việc xác định mục tiêu kèm theo các kết quả chính cần đạt được. Điều này nhằm giúp toàn tổ chức hướng tới mục tiêu chung một cách hiệu quả.
Áp dụng OKRs, nhà quản lý sẽ thiết lập mục tiêu chung dựa trên ý kiến của mọi thành viên trong công ty. Điều này nhằm mục đích kêu gọi, tạo động lực và khiến toàn bộ nhân viên cùng nỗ lực hành động hướng đến mục tiêu đó.
Tìm hiểu thêm: OKRs là gì? 15+ Điều bạn cần biết về Quản trị mục tiêu OKRs
Cách để áp dụng lý thuyết quản lý hiệu quả của Peter Drucker
Để áp dụng lý thuyết quản lý hiệu quả của Peter Drucker, bạn có thể vận dụng 4 cách dưới đây.
Ủy quyền
Khi ủy quyền cho nhân viên, bạn hãy tiến hành ủy quyền ngang hàng và đảm bảo công bằng với nhân viên trong team.
Mặt khác, nhân viên cần có thái độ đúng mực, tôn trọng bạn với vai trò quản lý nhưng nhân viên không nên có cảm giác “ở dưới” bạn. Mọi nhân viên đều cần có cơ hội bộc lộ, chia sẻ ý kiến, ý tưởng công việc với team, với người quản lý trong các cuộc họp chung hay check-in 1 1.
Khi nhân viên được ủy quyền phù hợp và đối xử bình đẳng, họ sẽ tự tin và có động lực hơn trong công việc. Điều này mang lại lợi ích cho cả công ty, nhà quản lý và nhân viên. Để thực hiện điều này, bạn có thể trò chuyện với nhân viên để họ hiểu rõ vai trò trong công việc của họ và ủng hộ họ có những ý tưởng, đóng góp mới cho team.
Khuyến khích sự hợp tác
Hợp tác là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp team của bạn có thể vận hành, xử lý công việc và đạt được hiệu suất tốt. Bạn có thể khuyến khích sự hợp tác của nhân viên bằng cách tạo điều kiện để nhân viên chia sẻ ý tưởng, hướng dẫn các thành viên khác trong team thông qua các buổi đào tạo, chia sẻ hàng tháng.
Mặt khác, nhân viên có thể làm việc độc lập nhưng họ cần nhìn nhận được những đóng góp vào mục tiêu chung và có sự tương tác, hợp tác với đồng đội để đạt được thành công vượt trội hơn.
Bạn có thể hình dung team của mình cũng giống như một đội bóng đá. Tất cả các cầu thủ ra sân có thể phô diễn kỹ năng, kỹ thuật của mình nhưng họ bắt buộc phải có sự hợp tác với nhau mới có thể ghi được bàn thắng.
Thiết lập mục tiêu chung
Để đảm bảo tất cả các thành viên trong công ty hoạt động hiệu quả, cùng hướng đến những kết quả, giá trị chung, đóng góp cho công ty thì bạn cần thiết lập mục tiêu chung toàn công ty. Bạn có thể ứng dụng lý thuyết về quản trị theo mục tiêu MBO của Peter Drucker với 5 bước cơ bản:
- Người quản lý và nhân viên cùng nhau xem xét và thiết lập các mục tiêu của tổ chức
- Nhân viên căn cứ mục tiêu của tổ chức để thiết lập các mục tiêu cá nhân
- Người quản lý và nhân viên giám sát tiến độ hướng tới các mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung
- Người quản lý và nhân viên đánh giá hiệu suất công việc dựa trên các cột mốc định lượng rõ ràng, có thể đo lường được
- Nhân viên nhận được phản hồi và phần thưởng liên quan đến sự tiến bộ trong công việc của mình.
Khi thiết lập mục tiêu cho toàn công ty, bạn còn có thể áp dụng nguyên tắc SMART và đảm bảo mục tiêu được đề ra đảm bảo các yếu tố: Specific (cụ thể) – Measurable (đo lường) – Achievable (khả thi) – Relevant (liên quan) – Time bound (giới hạn thời gian).
Có thể bạn cần biết: Mục tiêu SMART là gì? Cách sử dụng SMART để thiết lập mục tiêu
[single-form-01]
Thúc đẩy sự đổi mới
Khi áp dụng lý thuyết quản lý hiện đại của Peter Drucker, bạn cũng cần đặc biệt lưu tâm đến việc thúc đẩy sự đổi mới. Bạn hãy khuyến khích nhân viên của mình tự tin hơn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi từ bỏ dần cách làm việc theo lối mòn, truyền thống. Để có không khí đổi mới trong công việc đó, chính người quản lý phải là tấm gương, là người tiên phong đổi mới trong công việc.
Đồng thời, khi khuyến khích nhân viên sáng tạo đổi mới thì bạn cũng cần minh bạch các cơ chế khen thưởng và không phạt nhân viên nếu các sáng tạo, đổi mới của họ chưa phát huy ngay được hiệu quả tức thì. Đổi mới là một quá trình tối ưu liên tục chứ không phải chỉ có tính thời điểm nhất thời.
*
Lý thuyết quản lý hiệu quả của Peter Drucker cho đến nay vẫn nguyên giá trị và được ứng dụng rộng rãi trong quản trị, vận hành doanh nghiệp. Nhiều công cụ, phần mềm ứng dụng từ gốc lý thuyết của Peter Drucker cũng đã ra đời để phục vụ các doanh nghiệp quản trị hiệu quả, trong đó có phần mềm GoalF.
GoalF với bộ công cụ đa dạng, đáp ứng cao các nghiệp vụ quản trị của doanh nghiệp sẽ giúp bạn có thêm một trợ thủ đắc lực, giúp hiệu suất của nhân viên được cải thiện đáng kể. Nếu bạn cần thêm thông tin về lý thuyết quản lý hiện đại của Peter Drucker hay muốn nhận tư vấn về phần mềm GoalF, bạn có thể liên hệ với GoalF. Đội ngũ chuyên gia của GoalF luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.
GoalF
- Trụ sở chính: 25 Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
- Điện thoại: 0904232369
- Email: support@okrs.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/GoalF.vn